Cây Mây | Cây cảnh – Hoa cảnh – Bonsai – Hòn non bộ – Sân vườn tiểu cảnh | Flowerfarm.vn

Mây là tên gọi chung cho khoảng 600 loài cây, chủ yếu thuộc các chi Calamus (khoảng 400 loài) và Daemonorops (khoảng 115 loài), phân bố tự nhiên thuộc các khu vực nhiệt đới của châu Á, châu Úc, châu Phi. Cây Mây có thể trồng làm hàng rào, và một tác dụng lớn khi thu hoạch là dùng làm đồ sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Mây thích nghi với mọi điều kiện sống. Ở những nơi hoang sơ, những nơi đất nghèo dinh dưỡng. Mây sống thành bụi theo hình ruột gà. Trong điều kiện gieo trồng, để có được những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt người ta sử dụng giống mây nếp. Đặc điểm giống mây này là thưa đốt, tròn đều, vỏ có màu trắng ngà, cho năng suất cao, dễ thu hoạch, chịu được mọi điều kiện thời tiết, cây có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao.

Ở Việt Nam, phổ biến nhất là loài Mây Nếp, cả trong trạng thái hoang dã và trong trồng trọt. Xem chi tiết về Mây Nếp ở phía cuối bài.

Cây Mây
Cây Mây

Thời vụ :

Ở Việt Nam, vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, trồng vào mùa xuân và mùa thu. Các tỉnh phía tây Bắc Bộ và trung du vùng khu 4 cũ trồng vào tháng 5-7. Các tỉnh nam Trung Bộ và cao nguyên trồng vào tháng 6-7. Các tỉnh Nam Bộ trồng vào tháng 7-8.

Kỹ thuật :

-Tạo luống :

Tuỳ theo độ dài diện tích trồng mây, có thể thiết kế qui hoạch sao cho hợp lý. Sau khi định hình được diện tích trồng, cần dọn dẹp, xới cỏ, chặt bỏ những cây và cỏ dại. Sau đó tạo thành luống có chiều cao từ 12 –15 cm. Làm đất thật tơi xốp, tiếp đó là dùng vôi bột rắc đều lên toàn bộ mặt luống. Liều lượng: 50 kg vôi bột khô/ha. Vôi bột có tác dụng khử độ pH và tiêu diệt toàn bộ côn trùng và các bào tử nấm dại.

– Trồng :

Đào hố trồng theo tiêu chuẩn sau đây:

Luống cách luống:60 cm
Hàng cách hàng: 50 cm
Cây cách cây: 60 cm

Sau khi đào hố xong, dùng dao chuyên dụng rạch nhẹ lên thành bầu. Sau khi tháo bỏ toàn bộ phần nilông ra khỏi cây giống, đặt nhẹ cây giống vào hố. Lấp 1/3 lượng đất vào hố trồng, rồi dùng 2- 3 nắm cát đen phủ lên trên. Dùng nước tưới đẫm vào cây mới trồng. Sau khi cho đất, nước và cát phủ kín hố sẽ tạo một lực nén giữ cho cây không bị di chuyển làm ảnh hưởng đến sự ra rễ của cây giống.

Khi trồng mây, chú ý không được nén chặt hoặc dẫm lên phần đất mới trồng. Theo kinh nghiệm thực tế, cây mây dễ sống nhưng khó trồng. Tuỳ theo nhiệt độ, thời tiết tính từ ngày trồng đến tháng thứ 3 phải liên tục tưới và tạo ẩm cho cây. Khi trồng nếu gặp trời mưa, vẫn phải tưới thật đẫm vào những hố đã trồng. Nếu gặp trời nắng nên tưới vào lúc trời mát.

Sau khi trồng xong cần cắm mỗi hố cây một que tre, dùng sợi dây nilông nhỏ buộc chặt cây mây vào thân que tre để định vị, giúp bộ rễ phát triển mà không sợ ảnh hưởng của gió.

Ứng dụng :

Mây là lâm sản ngoài gỗ được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng… Chúng rất giống cây tre, nhưng mây dễ phân biệt với tre là chúng đặc chứ không có thân rỗng như tre, ngoài ra để sinh trưởng tốt, mây cần có một sự chăm sóc từ phía con người (tuy nhiên nó cũng rất dễ sống trong điều kiện hoang dại), trong khi tre có thể không cần điều này. Điều này làm cho nó trở thành một công cụ tiềm năng trong việc bảo vệ rừng, do nó đem lại một số lợi ích và lợi nhuận hơn là loài cây cần phải loại bỏ.

Khi cắt thành từng phần, mây có thể sử dụng như gỗ để làm đồ gia dụng. Mây cũng có thể sơn được và chúng có vân như gỗ, vì thế người ta có thể tạo ra được nhiều chủng loại màu trên bề mặt đồ bằng mây và tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau. Các phần của mây cũng có thể sử dụng như là roi hay gậy mây trong một số trường phái võ thuật hoặc để xử phạt một số tội, hiện vẫn còn được áp dụng ở một số quốc gia như Malaysia, Singapore và Brunei. Ngoài ra, phần lõi bên trong có thể tách riêng và làm thành các sợi mây.

Mây tiết ra một chất nhựa màu đỏ, đôi khi còn được gọi là máu rồng. Chất nhựa màu đỏ này thời cổ đại được cho là có một số thuộc tính có ích trong y học và cũng đã được sử dụng như là thuốc nhuộm cùng với một số chất khác để nhuộm đàn viôlông (encyclopedia.com).

Cây Mây Nếp ở Việt Nam :

Cây Mây Nếp : tên đồng nghĩa: Calamus bonianus Becc.,1910; C. tetradactylus Hance var. bonianus (Becc.) Gagnep. & Conrard, 1937; C. cambojensis Becc.,1910.

Tên khác: Mây tắt, mây ruột gà, mây vườn; Họ: Cau dừa – Palmae

Tên thương phẩm: White rattan.

Đặc điểm hình thái :

Cây leo mọc thành bụi, với nhiều thân khí sinh, có thân ngầm giống “củ gừng” nhưng rất cứng và đen như sừng. Thân khí sinh chỉ to bằng ngón tay, nhưng có thể dài 20-30m, nếu được leo trên cây gỗ. Thân khí sinh không phân nhánh, leo được nhờ các tay mây nằm đối diện với nách lá. Toàn bộ thân được bao bọc trong các bẹ lá màu xanh, có gai. Lá dài khoảng 1m, trông giống như một lá kép với 14-20 lá nhỏ, mọc thành nhóm 2-4 chiếc; bẹ lá hình ống, ôm lấy thân; lá nhỏ hình mũi mác, dài 15cm, có 3-5 gân hình cung, nổi rõ, chạy từ cuống đến đỉnh.

Cây đơn tính khác gốc. Cụm hoa dạng bông mo ở nách lá, dài 0,8-1m, có nguồn gốc từ các tay mo ở phía ngọn. Mỗi cụm hoa có 4-7 nhánh, mỗi nhánh lại có rất nhiều gié dài 3-4cm, gồm những chùm 3¬13 hoa nhỏ màu vàng, có hương thơm.

Quả hình cầu, đường kính 8mm, đầu có mỏ nhọn và núm nhụy tồn tại; vỏ quả có vẩy bao bọc, vẩy xếp thành 18 hàng dọc. Khi non quả màu xanh, già màu xám vàng. Mỗi quả có 1 hạt hình cầu, đường kính 6mm, khi non hạt màu trắng trắng, vỏ mềm, khi già màu nâu đen, vỏ rất cứng. Quanh hạt có cùi mọng nước, khi non có vị đắng, khi già cùi hơi ngọt, ăn được.

Thông tin chi tiết :

Loài mây nếp có thể gồm một số đơn vị dưới loài (phân loài, thứ hoặc giống trồng trọt). Nhiều người trồng mây ở huyện Kiến Xương Thái Bình cho rằng, có 2 giống mây nếp:

– Mây nếp tía : Khi già gốc mây đỏ tím, sợi săn rất bền, thân dẻo, đẻ nhánh khỏe, chịu hạn giỏi, ưa đất cao, thoát nước, khả năng vươn dài mạnh.

– Mây nếp trắng : Thân to, mập hơn, lúc già gốc vẫn trắng, sợi hơi ròn, khả năng đẻ nhánh mạnh, vươn dài, nhiều sợi. Tính chịu đựng của mây trắng yếu hơn mây tía, cần trồng nơi đất tốt mới cho năng suất cao.

Người trồng mây ở huyện Vũ Thư (giáp thị xã Thái Bình) lại cho rằng ở Thái Bình có 2 giống mây:

– Mây tẻ : Lá nhỏ hơn, màu nhạt, quả rất sai, sợi mây màu mỡ gà, dẻo hơn mây nếp.

– Mây nếp : Lá to dày, quả to tròn, thưa quả hơn, sợi trắng, giòn.

Cần tìm hiểu kỹ cứu các nhận xét trên của người trồng mây trong công tác nghiên cứu tính đa dạng của loài mây nếp, đặc biệt là với việc chọn giống để gây trồng.

Phân bố

– Việt Nam :

Mây nếp phân bố rộng từ Hà Giang, Cao Bằng Lạng Sơn vào đến Đồng Nai, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh : Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tinh, Quảng Bình và Quảng Trị.

– Thế giới :

Miền Nam Trung Quốc (Đảo Hải Nam, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến), Lào, Campuchia, Thái Lan. Hiện nay Trung Quốc, Lào và Thái Lan cũng đang chú ý phát triển gieo trồng loài mây quí này.

Đặc điểm sinh học :

Đây là loài mây phổ biến nhất của Việt Nam, cả trong trạng thái hoang dã và trong trồng trọt. Có thể gặp mây nếp từ vùng ven biển đến miền núi cao dưới 800m.

Hầu hết các tỉnh có rừng nhiệt đới thường xanh đều có mây nếp phân bố. Cách đây hàng trăm năm, mây nếp đã được trồng làm hàng rào ở nhiều gia đình thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên. Khoảng mười năm gần đây, nhiều tỉnh trung du và miền núi cũng bắt đầu trồng loài. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, nhiều tỉnh ở phía Nam cũng đã bắt đầu trồng mây nếp.

Trong rừng tự nhiên, mây nếp phân bố ở độ cao 100-800m, chủ yếu tập trung ở độ cao 100-500m. Kiểu rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh là nơi sống chủ yếu của loài mây này. Trong rừng nửa rụng lá hay rụng lá hầu như không gặp loài mây nếp. Điều kiện thích hợp cho sinh trưởng phát triển của loài mây nếp là : nhiệt độ trung bình năm 20-30 độ C, mùa lạnh không có nhiệt độ quá thấp, nếu xuống dưới 5 độ C, cây có thể bị chết; lượng mưa hàng năm trên 1.500mm, lượng mưa càng cao, mây nếp phát triển càng tốt; nhưng cây không chịu được úng, ngập. Rừng có mây nếp mọc thường phải có độ mở tán trên 50%, đất tốt, giàu mùn, độ pH 4,5 – 6,5.

Trong rừng nguyên sinh thường ít gặp mây nếp. Chúng thường mọc trong các khu rừng thứ sinh đã bị khai thác ở các mức độ khác nhau, ở ven rừng và ven suối. Tại vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, mây nếp thường mọc tự nhiên ở các hàng rào quanh nhà. Khi còn non (1-3 tuổi) mây nếp là cây ưa bóng, cần có tán che mới sinh trưởng, phát triển bình thường; nhưng sau 4 tuổi, nếu rừng không được mở sáng kịp thời hoặc nếu không leo bám vươn lên được ngọn các cây gỗ, mây nếp sẽ ngừng sinh trưởng hoặc chết dần. Cây cao 0,5m, trên bẹ lá xuất hiện tay mây để giúp cây bám vào giá thể và phát triển rất mạnh.

Mây nếp đẻ nhánh mạnh, sau khi trồng 1 năm, cây đã có thể đẻ nhánh. Nó đẻ nhánh quanh năm, mỗi nhánh phát triển thành một thân khí sinh. Mùa mưa cây đẻ nhánh mạnh hơn mùa khô. Từ các mắt thân ngầm đẻ ra các nhánh con, nhánh con lại đẻ ra các nhánh con khác. Thường mây chỉ đẻ 1 nhánh, rất ít khi đẻ 2 nhánh. Sự đẻ nhánh diễn ra liên tục, nhánh mẹ cao 1m đã có nhánh con cao 0,5m và có cả nhánh của các thế hệ tiếp sau. Sự đẻ nhánh còn phụ thuộc vào đất tơi xốp hay không và cách vun gốc khi trồng. Lấp đất sâu, sẽ ảnh hưởng xấu đến sự đẻ nhánh, vì vậy khi trồng chỉ cần lấp đất ngang cổ rễ. Nếu gốc được phơi thoáng, khả năng đẻ nhánh cũng cao. Bụi mây 7 tuổi có khoảng 30 nhánh. Những bụi mây lớn, ở trạng thái hoang dại, có tới gần 100 nhánh; khi đó tổng chiều dài thân mây của cả bụi tới hơn 300m.

Mây nếp tăng trưởng khá nhanh, mỗi năm thân dài ra được 4-5m. Bụi mây có thể cắt liên tục 1-2 năm 1 lần. Sau khi trồng 4-5 năm, mây nếp ra hoa kết quả lần đầu. Mầm hoa bắt đầu xuất hiện từ tháng 3, có dạng nụ hoa từ tháng 5-6, kéo dài tới tháng 9, thời gian đó quả mây non cũng đã xuất hiện, nhưng phải tháng 4-5 năm sau quả mới chín ở Đồng bằng Bắc bộ.

Công dụng

Mây nếp được sử dụng từ rất lâu đời và rất quen thuộc ở nước ta. Do có sợi với độ bền, dẻo và chịu lực kéo tốt, cấu tạo đồng đều, mặt ngoài có màu trắng ngà, bóng rất đẹp, lại dễ uốn; lại có thể kết hợp tốt với kim loại và vật liệu khác như gỗ, da, nhựa để làm bàn ghế, đồ dùng mỹ nghệ cao cấp. Sợi mây cũng dễ chẻ thành thanh nhỏ, nên mây nếp là một trong những loài mây được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ, đan lát, tạo mặt bàn ghế cao cấp có giá trị ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Độ dài lóng của sợi mây thay đổi từ 10-30cm. Khối lượng riêng 0,432; lực căng kéo 38,0N/mm2. Hàm lượng lignin 18,7%. Chất lượng sợi mây phụ thuộc vào tuổi cây, độ ẩm trong sợi, điều kiện môi trường sống, độ dài và đường kính của lóng…

Cây mọc thành bụi kín, có nhiều gai, nên mây nếp thường đuợc trồng làm hàng rào quanh nhà, quanh vườn, quanh chuồng trại để bảo vệ gia súc.

Quả mây nếp có vị chua ngọt, được trẻ con ưa thích

Kỹ thuật nhân giống, gây trồng

1. Nguồn giống : Chọn cây mẹ trên 7 tuổi mọc ở nơi quang hoặc có ngọn mọc vượt lên khỏi tán rừng hay tán cây gỗ. Hạt thu được hong khô trong nhà và cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát để làm giống.

2. Tạo cây con :

+ Đất gieo : Chọn nơi đất bằng, ẩm, thoát nước, có thành phần cơ giới nhẹ. Lên luống rộng 0,8 – 1,0 m, bón 3 – 4 kg phân chuồng / 1m2 mặt luống. Nơi có nhiều kiến cần rắc vôi.

+ Gieo ươm : Nếu gieo quả trực tiếp phải 4 tháng hạt mới nảy mầm, còn nếu ngâm nước lạnh trong 24 giờ sau đó đãi sạch vỏ và cùi rồi xử lý bằng nước ấm 40 – 45 độ C (2 sôi 3 lạnh) thì sau 15 – 20 ngày, hạt bắt đầu nứt nanh và 30 – 45 ngày lá mầm hình kim xuất hiện. Sau khi gieo hạt, cần làm giàn che bằng phên nứa hoặc thân đay… Tưới nước 2 lần/ngày để đảm bảo độ ẩm cho hạt chóng nảy mầm.

+ Cấy cây: Sau khi gieo 2 – 3 tháng, thấy lá mầm dạng kim đâm qua lớp đất che phủ là có thể cấy cây.

+ Tiêu chuẩn cây con : Cây ươm 1,5 tuổi trở lên, cao trên 20 – 30 cm với 3 – 4 lá có thể mang trồng. Nếu cây ươm rễ trần trên luống thì đánh bầu đất rộng 5cm và trồng vào mùa xuân. Muốn vận chuyển cây con đi xa phải hồ rễ và giữ rễ luôn ẩm.

3. Kỹ thuật trồng:

+ Thời vụ: Trồng vào vụ xuân hoặc đầu mùa mưa.

+ Phương thức trồng:

– Trồng dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng độ tàn che 0,3 – 0,4.

– Trồng quanh nhà hoặc trong vườn, ven hàng rào, dọc mương máng, đất trồng không cần chuẩn bị cầu kỳ.

+ Mật độ: 3.300 cây/ha (1x3m) hay 2.500 cây/ha (1x4m) hoặc 1.650 cây/ha (2x3m).

+ Xử lý thực bì : Phát dọn theo rạch quanh hố trồng đảm bảo giữ được cây che bóng và có trụ leo cho cây trồng, nơi không có phải trồng hoặc cắm cọc cho cây leo. Kinh nghiệm trong nhân dân là đào mương sâu 1m, rộng 0,8m cạnh hàng tre và trồng mây bên kia bờ mương cách 0,5m, khi mây lớn cho leo lên cây tre.

+ Làm đất : Cục bộ theo hố, kích thước hố 15 x 15 x 15cm hoặc 20 x 20 x 20cm. Có điều kiện bón lót 200 – 300g phân hữu cơ vi sinh hoặc 1 – 2kg phân chuồng hoai/cây.

Khi trồng mây dưới tán rừng tự nhiên : Phát theo băng rộng 2m, dọn sạch cây. Băng phát cách nhau 4m. Kích thước hố 15 x 15 x 15cm. Mỗi hố trồng 2 – 3 cây con.

+ Trồng cây : Moi đất đặt cây vào hố, xé bỏ vỏ bầu nếu có, lấp đất nén chặt để cây mau bén rễ và lấp đất ngang cổ rễ cây để mây dễ đẻ nhánh sau này.

4. Chăm sóc, bảo vệ cây trồng:

Trong 2 năm đầu, mỗi năm làm cỏ 2 – 3 lần kết hợp với vun xới. Hàng năm phải luỗng phát dây leo, bụi rậm một lần để đảm bảo ánh sáng cho cây phát triển. Khi mây lớn và leo lên giá thể, tiến hành phát cành cây để điều chỉnh ánh sáng giúp cho mây vươn lên sinh trưởng tốt. Cần đề phòng trâu, bò và châu chấu ăn lá mây non.

Nơi đất tốt, gần nhà, mây trồng sau 3 – 4 năm có thể thu hoạch. Mây trồng thành rừng sau 5 – 10 năm, khi bẹ lá ở gốc bị chết và rụng đi để lộ sợi mây trắng có thể thu hoạch. Sau đó 2 năm thu hoạch 1 lần. Khi thu hoạch, chặt gốc cách mặt đất 10 cm rồi lôi ra khỏi khóm mây.

Khai thác, chế biến và bảo quản

Trước khi khai thác cần phát dọn quanh khóm mây sạch sẽ với bán kính 0,5 m; trong khi phát chú ý cây tái sinh. Tiếp theo cắt lá già, chặt tay leo, cành lá trong khóm dưới 1 m.

Sau khi phát dọn xong thực bì quanh gốc, chủ rừng tiến hành khai thác mây theo các bước sau :

Bước 1 : Chặt tay leo, cành lá bằng rựa với chiều cao gốc chặt từ 15 – 20 cm.

Bước 2 : Rút cây và bóc bẹ lá là công đoạn đưa sợi mây ra khỏi khóm và để thực hiện công đoạn này người khai thác căn cứ vào đặc điểm thân mây mềm và dễ uốn cong để tách, bóc bẹ lá. Tuy nhiên, quá trình này, người khai thác áp dụng hai phương pháp sau :

+ Rút cây mây ra khỏi khóm, bóc bẹ từ ngọn xuống gốc.

+ Rút dần cây mây ra khỏi khóm, rút đến đâu bóc bẹ đến đấy bằng công việc bẻ cong từng đoạn mây từ gốc lên đến hết cây tách bẹ lá dần dần.

Bước 3: Phát ngọn sau khi đã đưa cây mây ra khỏi khóm, chiều dài ngọn cắt bỏ từ 50 – 70 cm tương đương 5 – 7 đốt hay 5 – 7 lá tính từ ngọn. Sau đó bẹ ngọn được chặt thành các đoạn ngắn vun đắp vào xung quanh khóm mây có tác dụng vừa cải tạo mùn và giữ ẩm đất.

Bước 4: Thu gom sợi mây. Người thu gom tiến hành cuộn sợi mây thành từng vòng hay buộc thành từng bó tạo điều kiện thuận lợi đưa mây ra khỏi rừng và chuyển về nơi thu gom tập trung.

Từ thực tiễn yêu cầu sản xuất nên khai thác mây tắt đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế cao và khai thác bền vững trong chu kỳ kinh doanh.

Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn

Mây nếp là một loài mây quan trọng nhất trong chiến lược phát triển mây song của ta. Do có tốc độ tăng trưởng nhanh, dễ trồng, dân lại có tập quán trồng lâu đời, nên mây nếp có khả năng phát triển trên qui mô lớn. Nếu được đầu tư kỹ thuật và có chính sách phù hợp thì trong một tương lai gần, mây nếp không chỉ đáp ứng nhu cầu mây sợi nhỏ cho sản xuất trong nước mà còn có triển vọng lớn để xuất khẩu.

( BlogCayCanh.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now